Tránh chấn thương khi chơi tennis

Tránh chấn thương khi chơi tennis

Tennis đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống, thế nhưng chơi tennis như thế nào để khỏe và không “dính” chấn thương thì không phải ai cũng biết.

image

Mục đích tập thể dục thể thao là để khỏe, nhưng tập luyện không đúng bài bản sẽ dễ gây chấn thương. Khi chơi không đúng cách, bị chấn thương mà không chữa trị thì dẫn đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống.

Dục tốc bất đạt

Anh Trọng Kh., 50 tuổi, ở Gò Vấp (TP.HCM), trong một buổi đánh banh thường lệ như hằng tuần bỗng cảm thấy khuỷu tay đau nhói. Nghĩ rằng do căng cơ, anh tự mua thuốc giảm đau uống. Uống được 3 – 4 ngày, thấy đỡ đau, anh tiếp tục ra sân, chơi một hồi thì cảm giác đau lại xuất hiện nên anh nghỉ. Lần này, anh Kh. không ra tiệm thuốc tây nữa mà đến thẳng phòng mạch bác sĩ chuyên về xương khớp khám và mua thuốc giảm đau uống. Nghỉ ngơi được 1 tuần, nhớ sân, nhớ bạn tập, anh lại vác vợt đi. Cứ vậy, đau thì nghỉ chơi, nghỉ được vài bữa hết đau thì tiếp tục chơi, tình trạng đó kéo dài liên tục 2 tháng cho tới khi anh không thể nhấc nổi cánh tay ngay cả trong các hoạt động bình thường thì mới tìm đến bác sĩ y học thể thao cầu cứu.

Trường hợp anh Kh. không phải là hiếm gặp đối với những người chơi tennis. Tương tự anh Kh., anh Trần Minh Ngh., cũng từng bị rách chóp xoay ở vai do chơi tennis quá sức. Theo bác sĩ Tô Minh Châu, Tổng thư ký Hội Y học thể thao TP.HCM, phần lớn chấn thương trong tập luyện và thi đấu tennis đều không quá nặng. Thế nhưng, người chơi vẫn có thể phải hứng chịu những cơn đau dai dẳng nếu không có đủ kiến thức và một số kỹ năng cần thiết.

Một số người chơi vì tâm lý chạy theo phong trào nên tham gia theo kiểu “ăn xổi ở thì”, dễ dãi trong việc chọn giày, vợt không phù hợp với sức đánh, xem nhẹ việc trang bị những kiến thức cơ bản (không chú trọng làm nóng, làm nguội, tập luyện quá sức, sai kỹ thuật…), rất dễ dẫn tới tình trạng chấn thương.

Tennis là môn thể thao đòi hỏi sự vận động phối hợp của cả tay, chân và thân mình. Chấn thương trong bộ môn này thường xảy ra ở vai, thắt lưng và khớp gối, nhưng nhiều nhất vẫn là ở vai, bác sĩ Châu cho biết.

Vì sao chấn thương ?

Có rất nhiều cách để phân loại nguyên nhân chấn thương. Chấn thương ở vai chủ yếu do vai yếu, do đánh sai kỹ thuật hoặc cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác. Trong tennis, việc đánh sai kỹ thuật thường ít gặp, nếu có chỉ ở những người mới chơi. Trong khi đó, chấn thương do quá tải mới gặp nhiều. Tình trạng quá tải xuất phát từ những lý do sau: làm nóng và làm nguội không tốt, tập với khối lượng quá lớn, tập quá lâu, tập với đối thủ quá mạnh, vợt quá nặng, tập với thời lượng quá nhiều, tập với cường độ lặp đi lặp lại không cho cơ thể nghỉ ngơi, ngày nào cũng đi tập…

Bên cạnh đó, chấn thương trong tennis cũng có thể do chưa biết cách phối hợp. Một số người khi đánh tại chỗ hoặc đánh trong chuồng thì rất tốt, nhưng khi ra sân thì không đánh được và bị chấn thương ngay. Điều này là do sự phối hợp không đồng bộ giữa phần hông, tay và chân. Ví dụ, hông xoay chưa đúng, bộ chân bước sai, tay đánh rướn, đánh với, đánh sai, chưa có kỹ thuật chạm banh cũng như cách di chuyển trên sân, đoán đường banh, hướng banh, cách khắc chế đối phương, bụng bự quá, giày không đảm bảo chất lượng… – bác sĩ Châu giải thích.